1. Tài chính của bạn chưa vững vàng

Nếu như bạn nghĩ một công việc với mức thu nhập ổn định hàng tháng là tất cả những gì bạn cần để đảm bảo tài chính vững vàng và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bạn đã lầm!

Sự bùng nổ đột ngột của đại dịch Covid-19 là một minh chứng cho thấy bạn có thể mất đi nguồn thu nhập chính bất cứ lúc nào, đặc biệt nếu lĩnh vực bạn đang tham gia lao động có liên quan đến ăn uống và du lịch.

Vì vậy, việc sở hữu các khoản tiết kiệm, dự phòng hay nguồn thu nhập khác sẽ giúp bạn linh hoạt hơn về tài chính và tự tin đối mặt với các rủi ro, tránh tình trạng trở thành gánh nặng tài chính cho người bạn đời của mình.

Hiện nay, việc xây dựng quỹ tiết kiệm và đa dạng hóa nguồn thu nhập đang trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Bạn có thể cân nhắc đến những khoản tiết kiệm gửi ngân hàng, tiền tích lũy và lãi suất từ các sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm hay đầu tư và các kênh đầu tư khác.

2. Chưa giải quyết hoặc chưa có kế hoạch giải quyết các khoản nợ

Hãy nhớ rằng người bạn đời không có trách nhiệm chi trả các khoản nợ cá nhân phát sinh trước hôn nhân thuộc về bạn. Vợ hoặc chồng tương lai của bạn có thể sẽ đồng ý hỗ trợ bạn trả nợ nếu bạn bàn bạc với họ trước về vấn đề này, nhưng họ cũng có quyền từ chối.

Bên cạnh đó, sau khi kết hôn, hai bạn sẽ có các khoản chi tiêu khác cần được lưu tâm hơn như khoản chi cho việc tổ chức đám cưới, tuần trăng mật, mua hoặc thuê nhà riêng, và xa hơn nữa là các khoản chi cho việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

Để tránh rơi vào tình huống “nợ cũ chồng nợ mới”, tốt nhất là bạn hãy giải quyết các khoản nợ cá nhân trước khi tiến tới hôn nhân hoặc lên kế hoạch cụ thể bạn sẽ trả nợ như thế nào và trong thời gian bao lâu sau khi kết hôn.

3. Chưa quản lý tốt ngân sách cá nhân

Một tháng bạn chi bao nhiêu tiền? Bạn đã chi tiêu cho những khoản nào? Số tiền có thể cho vào quỹ tiết kiệm là bao nhiêu? Bạn có khoản dành riêng cho việc chăm sóc sức khỏe của bản thân không? Nếu bạn không thể trả lời các câu hỏi trên một cách rành mạch, bạn vẫn chưa sẵn sàng để bước vào một cuộc hôn nhân.

Mặc dù việc quản lý ngân sách thường được một người đảm nhận chính, cả bạn và bạn đời cần phải nắm được tình hình tài chính của gia đình. Lí do là khi kết hôn, các quyết định lớn về tài chính như mua nhà, đất hay đầu tư đều cần sự thảo luận giữa cả hai.

Việc không biết về tài sản hiện có cũng như các khoản chi phí hàng tháng sẽ gây ra sự mất cân bằng về quyền ra quyết định. Lâu dần, điều này có thể gây ra sự không hài lòng, ấm ức, dẫn đến sự rạn nứt trong hôn nhân.

Vì vậy, hãy học cách lập một kế hoạch tài chính cá nhân đơn giản để chuẩn bị sẵn sàng cho đời sống hôn nhân bạn nhé!

4. Chưa có kế hoạch tài chính sau khi kết hôn

Hai bạn sẽ ở chung với cha mẹ, thuê nhà hay mua nhà riêng? Hai bạn dự định sẽ có con vào năm thứ mấy và dự tính sẽ có bao nhiêu đứa trẻ? Mặc dù nghe có vẻ xa vời và chỉ muốn chìm đắm vào những tháng ngày ngọt ngào sau khi cưới, việc lên kế hoạch trước cho 2 – 3 năm đầu cuộc sống hôn nhân sẽ giúp bạn và bạn đời an tâm tận hưởng khoảng thời gian chỉ có hai người, cũng như chú tâm bồi dưỡng, vun đắp mối quan hệ mà không lo ngại các vấn đề tài chính có thể phát sinh.

Nếu bạn cảm thấy bản thân và người bạn đời tương lai vẫn chưa sẵn sàng cùng nhau lên kế hoạch xây dựng mái ấm , hãy cho nhau thời gian và chủ động trò chuyện nhiều hơn để có thể thảo luận  thẳng thắn vấn đề này trước khi nâng mối quan hệ lên một bậc cao hơn.

Kết hôn là chuyện trọng đại cả đời và ai cũng mong muốn có thể cùng người mình yêu trải nghiệm cuộc sống bên nhau càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hôn nhân là cam kết cùng nhau đi qua những ngày vui cũng như những ngày giông bão. 

Vì vậy, mặc dù tài chính là một vấn đề khá nhạy cảm, hãy chắc chắn rằng bạn và người bạn đời tương lai cùng bước vào hôn nhân với tâm thế sẵn sàng cho những điều bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc sống.

*Thông tin trên đây mang tính chất tham khảo