15/09/2024

Lên ngân sách chi tiêu

Lên ngân sách chi tiêu là một kỹ năng thiết yếu giúp phụ nữ đạt được độc lập tài chính. Bằng cách lập ngân sách, phụ nữ có thể kiểm soát tài chính cá nhân, đảm bảo chi tiêu hợp lý, và chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ. Đặc biệt, việc này giúp họ tự tin hơn trong việc ra quyết định tài chính và xây dựng một tương lai tài chính vững chắc.

Minh là sinh viên mới vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm việc tại một công ty công nghệ. Đây là lần đầu tiên cô nàng sống tự lập và phải tự quản lý tài chính. Em nhanh chóng nhận ra rằng việc quản lý chi tiêu hàng ngày và phân chia ngân sách cho các hoạt động, mong muốn khác nhau không hề dễ dàng. Em thường xuyên thấy mình hết tiền trước khi nhận lương và phải dựa vào thẻ tín dụng để trang trải chi phí.

1. Đánh giá tình hình hiện tại và phân loại chi phí

Minh quyết định đánh giá tình hình tài chính hiện tại của mình bằng cách liệt kê tất cả các nguồn thu nhập và chi phí hàng tháng. Thu nhập của Minh đến từ lương chính, nhưng em nhận ra rằng mình không có nhiều tiền tiết kiệm vì hầu hết thu nhập bị tiêu hết vào các khoản chi không kiểm soát.

Minh phân loại các chi phí thành hai nhóm: chi phí cần thiết, thiết yếu (tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống tự nấu), và chi phí hưởng thụ (giải trí, mua sắm). Sau khi làm điều này, Em thấy rõ ràng hơn về cách tiền của mình được sử dụng và bắt đầu tìm kiếm cách để quản lý tài chính hiệu quả hơn.

2.  Áp dụng quy tắc chia ví

Quy tắc chia ví là phân chia thu nhập thực tế thành những phần có tỷ trọng cụ thể dùng để chi cho những mục đích khác nhau. Các tỷ trọng sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu ở từng giai đoạn cuộc sống của mỗi cá nhân. 2 cách chia ví thường được biết đến là 50/30/20 và 6 chiếc hũ.

Đối với các bạn mới đi làm, thu nhập chưa cao, các chi phí cần thiết của bạn có thể chiếm tỉ trọng lớn so với thu nhập, bạn nên áp dụng tỷ trọng 50/30/20 khi chia ví, với 50% cho chi phí cần thiết, 30% cho các hoạt động hưởng thụ cuộc sống, và 20% tiết kiệm cho một quỹ khẩn cấp.

Khi lương của bạn bắt đầu tăng lên, có thể vượt mức 20.000.000 đồng/tháng, lúc này bạn có thể sẽ có nhiều dự định hơn cho tương lai, hãy tăng phần trăm cho “ví" tiết kiệm lên, và nghĩ đến những khoản đầu tư khác. Đây là lúc tham khảo cách chia ví theo 6 chiếc hũ, gồm:

  • Nhu cầu thiết yếu: 55%
  • Đầu tư sinh lợi: 10%
  • Quỹ tiết kiệm: 10%
  • Phát triển bản thân (giáo dục): 10%
  • Hưởng thụ cuộc sống: 10%
  • Từ thiện: 5%

Trên thực tế, chi phí cần thiết của bạn có thể chỉ còn chiếm tầm 30%; chi phí hưởng thụ giải trí, tiệc tùng, mua sắm hằng ngày còn 20%. Việc tiết kiệm cũng sẽ phân ra cho nhiều nhu cầu, mục tiêu tài chính cụ thể. Ví dụ: bạn có thể trích 20-30% cho một quỹ khẩn cấp cho đến khi đủ tầm 3 tháng lương của bạn, sau đó tiếp tục tiết kiệm khoản này cho một quỹ tiết kiệm dài hơn trong tương lai như lập gia đình, mua nhà; 10% cho bảo hiểm; và 10% còn lại cho các quỹ tiết kiệm gần như đi du lịch, mua xe, máy tính nếu muốn, hoặc đầu tư cho các loại chứng chỉ quỹ cũng là một lựa chọn an toàn.

Minh họa quy tắc chia ví với mức Tổng thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng

Loại chi phí

Ví dụ

Tỷ trọng (100%)

Ngân sách chi phí hàng tháng*

Cần thiết

Tiền ăn, tiền thuê nhà, hóa đơn điện, nước, internet, di chuyển hàng ngày

30%

9 triệu

Hưởng thụ cuộc sống

mua sắm, giải trí, chơi thể thao, giao lưu ăn uống

20%

6 triệu

Quỹ khẩn cấp / Quỹ dài hạn

Quỹ khẩn cấp: ít nhất 3 tháng lương / Quỹ dài hạn: mua xe hơi, mua nhà, tích vốn mở kinh doanh riêng, lập gia đình

30%

9 triệu

Bảo hiểm

Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ

10%

3 triệu

Quỹ ngắn hạn

Mục tiêu để dành cho du lịch, mua xe máy, laptop, đầu tư chứng chỉ quỹ

10%

3 triệu

(*) [Ngân sách chi phí hàng tháng] = [Tỷ trọng] X [Tổng thu nhập trung bình hàng tháng]

Khi bạn có con, câu chuyện lại khác hẳn. Lúc này, có thể thu nhập của cả gia đình sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi sẽ có bạn đời cùng san sẻ, nhưng chi tiêu cũng sẽ nhiều hơn. Hai bạn có thể cân đo đong đếm mức sinh hoạt tùy theo độ tuổi của con và các khoản tiết kiệm, đầu tư tùy theo mong muốn gia đình. Ngoài những khoản tiết kiệm khẩn cấp, ngắn hạn, dài hạn cho gia đình, bạn cũng có thể trích 5-10% dài hạn 18 năm cho việc đầu tư sự học cho con mình trong tương lai như học đại học hay đi du học.

3. Quản lý các chi phí bất ngờ với Quỹ khẩn cấp

Khi đối mặt với những bất ổn trong cuộc sống, quỹ khẩn cấp không chỉ giúp bạn giảm được tổn thất về tài chính, mà còn khiến bạn tự tin vững bước trên con đường đạt đến các mục tiêu tài chính và xây dựng cuộc sống mong muốn.

Có lần, xe của Minh bị hỏng và em cần một khoản tiền lớn để sửa chữa. Nhờ quy tắc 50/30/20 và việc tiết kiệm 20% thu nhập hàng tháng, Minh có một khoản tiền dự phòng để chi trả cho chi phí bất ngờ này mà không cần phải vay mượn hoặc dùng thẻ tín dụng. Điều này giúp em cảm thấy yên tâm và tự tin hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân.

Một lần khác, Minh không may phải nhập viện và cần một khoản tiền lớn để trang trải viện phí. Nhờ khoảng 20% dự phòng mà em không phải vay mượn để chi trả. Sau đợt đó, Minh cũng chủ động tìm hiểu các gói bảo hiểm sức khỏe và sử dụng khoảng 20% dự phòng để chuẩn bị cho mình một kế hoạch bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Bài học

Lên ngân sách chi tiêu là kỹ năng quan trọng giúp phụ nữ đạt được độc lập tài chính. Như câu chuyện của Minh đã cho thấy, việc áp dụng quy tắc 50/30/20 không chỉ giúp cô nàng quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ. Lợi ích lâu dài của việc quản lý ngân sách có kỷ luật là một tương lai tài chính ổn định và tự tin hơn trong việc ra quyết định tài chính. Bạn hãy áp dụng quy tắc chia ví ngay từ hôm nay nhé.

Mỗi Chủ Nhật tại Sun Day, khi những kiến thức tài chính được hiểu và làm thật đơn giản mà mỗi chúng ta có thể bắt đầu ngay hôm nay. Cùng Sun Day dựng xây tài chính mỗi ngày.

Thương hiệu bảo hiểm tốt nhất Việt Nam năm 2021

Thương hiệu Bảo hiểm Nhân thọ tốt nhất tại Việt Nam năm 2021