Đứng trước nhiều loại sản phẩm với nhiều mệnh giá, làm sao để biết sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình?
Sol Sáng là chuỗi nội dung giúp bạn “soi” để hiểu bảo hiểm dễ dàng nhất.
Điểm đặc biệt của Sol Sáng là dùng hình tượng tò he để minh họa cho các thuật ngữ bảo hiểm, giúp truyền tải thông điệp bảo hiểm một cách tinh giản và thú vị.
“Mình sẽ được bảo vệ ở mức độ nào?” - đây có lẽ là câu hỏi chúng ta đặt ra nhiều nhất khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm. Đứng trước nhiều sản phẩm với nhiều mệnh giá, nhiều quyền lợi bảo hiểm khác nhau, làm sao để biết lựa chọn nào là phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Trong bài viết “Tam giác bảo hiểm”, chúng ta đã hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của 3 nhân vật được gọi tên trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Trong bài viết này, ta tiếp tục “bóc tách” một số thuật ngữ thường gặp trong hợp đồng: mệnh giá bảo hiểm, phí bảo hiểm, giá trị tài khoản và giá trị hoàn lại. Đây là những khái niệm quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình lên kế hoạch và lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Mệnh giá bảo hiểm là số tiền được ghi nhận trên hợp đồng bảo hiểm để làm căn cứ cho công ty bảo hiểm thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm. Người mua bảo hiểm sẽ đóng một khoản tiền nhất định cho việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo thỏa thuận hợp đồng với công ty bảo hiểm, số tiền này chính là phí bảo hiểm.
Ví dụ khi mua hợp đồng BHNT trị giá 2,5 tỷ VND, bạn đóng phí bảo hiểm 55 triệu/năm. Như vậy trong trường hợp xảy ra bất trắc, các thành viên trong gia đình (hoặc bất kỳ ai được chỉ định là người thụ hưởng) sẽ được công ty bảo hiểm chi trả tối đa 2.5 tỷ đồng. Trường hợp này mệnh giá bảo hiểm là 2,5 tỷ, còn phí bảo hiểm là 55 triệu.
Tùy thuộc khả năng tài chính, có 2 cách giúp bạn tính mệnh giá bảo hiểm: dựa vào số tiền bạn cần hoặc số tiền bạn có thể chi trả.
Bạn ước lượng một khoản tiền gia đình mình sẽ cần để xoay xở khi có sự cố, từ đó quyết định mệnh giá bảo hiểm phù hợp.
Ví dụ chị A ký hợp đồng BHNT và người thụ hưởng là 2 con đang tuổi đi học. Để đề phòng sự cố, chị muốn ước tính một khoản tiền đủ trả mọi chi phí cho 2 bé trong vòng 5 năm (60 tháng). Như vậy, chị sẽ lấy chi phí trung bình hàng tháng nhân 60 để ra mệnh giá bảo hiểm.
Phù hợp với ai: Người có trách nhiệm về tài chính cho bản thân, gia đình, có kế hoạch và nguyên tắc về quản lý tài chính cá nhân, đồng thời luôn sẵn sàng cho mình với một kế hoạch dự phòng tài chính trước những rủi ro của cuộc sống.
Bạn ước tính số tiền mình có thể chi trả hàng năm cho bảo hiểm. Sau đó bạn nhờ công ty bảo hiểm dựa vào đây tính ra một con số phù hợp làm mệnh giá bảo hiểm.
Ví dụ anh B có thu nhập hàng tháng là 10 triệu, và dành 1 triệu ra tiết kiệm. Như vậy anh có thể tiết kiệm tối đa 12 triệu/năm. Công ty bảo hiểm sẽ dựa vào đó thiết kế cho anh gói BHNT có mức phí định kỳ từ 10-12 triệu/năm.
Phù hợp với ai: Người có thu nhập ổn định, có thể duy trì kế hoạch đóng phí đều đặn, song chưa tính được giá trị dự phòng cần thiết cho kế hoạch tài chính của mình.
Khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm có tích hợp quyền lợi tích lũy/đầu tư, bạn sẽ có Giá trị tài khoản. Giá trị tài khoản của hợp đồng BHNT có thể hiểu là số tiền hiện có trong tài khoản hợp đồng BHNT được tích lũy từ việc đóng phí bảo hiểm và các khoản thưởng (nếu có), trừ một số khoản phí (như phí ban đầu, phí rút tiền, khoản khấu trừ hàng tháng).
Giá trị tài khoản của bạn sẽ được hưởng lãi theo mức lãi suất tích lũy được công ty bảo hiểm công bố định kỳ theo thời hạn của hợp đồng bảo hiểm.
Là số tiền bạn sẽ nhận được khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trước hạn. Thông thường, Giá trị hoàn lại được tính từ Giá trị tài khoản của bạn trừ đi chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc khoản nợ (nếu có).
Cần lưu ý không phải sản phẩm BHNT nào cũng có giá trị hoàn lại. Và tùy theo sản phẩm mà cách tính Giá trị hoàn lại, cũng như quy định chi phí chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn có thể khác nhau. Do đó, bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký một hợp đồng BHNT.