“Bẫy” thẻ tín dụng và cách phòng tránh
Cùng với sự phổ biến và thuận tiện của chiếc thẻ tín dụng là tiềm ẩn những rủi ro về tài chính. Vậy làm thế nào để bạn có thể bảo vệ bản thân trước cái “bẫy” tín dụng này?
Hiện nay, thẻ tín dụng (credit card) không còn là một khái niệm quá xa lạ. Tiện ích thanh toán trước, trả tiền sau đối với hầu hết mọi loại giao dịch, như chi trả hóa đơn điện nước, ăn uống, mua sắm trực tuyến... khiến thẻ tín dụng ngày càng trở nên phổ biến và dần trở thành vật không thể thiếu đối với lối sống hiện đại.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, bạn có thể rơi vào “bẫy” thẻ tín dụng với tình trạng chi tiêu mất kiểm soát và vượt khả năng chi trả của bạn.
Về cơ bản, khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn đang chấp nhận vay một khoản tiền từ ngân hàng để chi trả cho nhu cầu của mình. Số tiền này phải được hoàn trả trong khoảng thời gian quy định, tối đa là 45 ngày, trước khi phát sinh lãi suất.
Với mức lãi suất dao dộng từ 20 – 30%/ năm tùy vào nơi phát hành, nợ tín dụng trở nên đáng sợ khi bạn chi tiêu quá mức và quên hoặc không có khả năng thanh toán lại số tiền mình đã tiêu xài. Khi đó, với thói quen sử dụng thẻ tín dụng đã được hình thành, rất khó để bạn có thể tiết kiệm tiền và trả dứt nợ.
Món nợ dai dẳng không chỉ khiến bạn gia tăng lo âu và áp lực khi phải nỗ lực kiếm tiền trả nợ, mà còn ngăn cản bạn nghĩ đến những mục tiêu xa hơn trong tương lai như lập gia đình, mua nhà, du lịch, theo đuổi đam mê, …
Vậy làm thế nào để tận hưởng sự tiện lợi của thẻ tín dụng trong khi vẫn đảm bảo sự vững vàng tài chính?
Thanh toán thẻ đúng hạn
Việc không thanh toán nợ thẻ đúng hạn không chỉ khiến bạn chịu mức lãi suất cao mà còn khiến lịch sử tín dụng của bạn không còn hoàn hảo. Khi tình trạng này xảy ra, bạn có nguy cơ bị xếp loại tín nhiệm thấp trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC). Điều này sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận của bạn với các dịch vụ tín dụng từ các tổ chức uy tín trong tương lai.
Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu sử dụng thẻ, hãy xem hoạt động thanh toán nợ tín dụng định kỳ là một thói quen cần tích hợp vào lịch trình của bạn. Bạn có thể dán giấy nhớ tại những địa điểm trong nhà mà bạn hay sinh hoạt hoặc sử dụng các ứng dụng lên kế hoạch trên điện thoại để nhắc nhở bản thân về các mốc thời gian cần thực hiện thanh toán.
Giữ lại các chứng từ thanh toán
Cùng với lịch sử giao dịch, các hoá đơn được sao kê hàng tháng đều có chứa thông tin cá nhân, số thẻ, loại thẻ và đơn vị phát hành. Nếu không cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể bị những tên trộm công nghệ cao đánh cắp thông tin nhằm sử dụng trái pháp thẻ tín dụng của bạn.
Bởi vì loại thẻ này đề cao khả năng thanh khoản nên chỉ cần có đủ thông tin ở mặt trước và mặt sau thẻ, người dùng có thể thanh toán trực tuyến một cách nhanh chóng mà không cần qua nhiều bước xác minh phức tạp như thẻ ATM. Vì vậy, việc bảo mật tất cả các loại giấy tờ có liên quan đến thẻ sẽ giúp bạn tránh trường hợp thông tin bị rò rỉ.
Bên cạnh đó, việc giữ lại các chứng từ này sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm tra và rà soát lịch sử giao dịch, xem có trùng khớp với những giao dịch thực tế hay không, tránh trường hợp thẻ bị sử dụng bởi người mà bạn không biết.
Hạn chế rút tiền từ thẻ tín dụng
Mặc dù thẻ tín dụng được biết đến nhiều với tính năng thanh toán, bạn vẫn có thể rút tiền mặt từ loại thẻ này. Tuy nhiên, bạn sẽ mất một khoảng phí tương đương 3 – 4% số tiền rút cho mỗi lần giao dịch. Đồng thời, số tiền này sẽ được xem là khoản vay cá nhân và lãi suất vay sẽ được tính ngay tại thời điểm bạn rút tiền.
Vì vậy, lời khuyên là trừ khi thực sự cần thiết, bạn nên hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân
Cách tốt nhất để bạn tránh xa nợ nần là xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân . Trong đó, bạn phân chia cụ thể ngân sách cho các khoản chi tiêu thiết yếu trong cuộc sống, rồi từ đó tự đặt ra giới hạn tín dụng trong khả năng chi trả của mình. Như vậy, bạn sẽ an tâm tận hưởng tiện ích của thẻ tín dụng mà không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân.
Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc tham gia bảo hiểm với quyền lợi tích lũy tiết kiệm. Điều này sẽ giúp bạn có một khoản phòng hờ cho các rủi ro có thể xảy ra, củng cố sự vững vàng cho tài chính của bạn.
Thẻ tín dụng là một công cụ hữu ích, giúp bạn có khả năng thanh toán bất cứ lúc nào mà không cần lo ngại đến việc hết tiền. Tuy nhiên, sự thuận tiện này đòi hỏi bạn phải có trách nhiệm và kỷ luật trong việc quản lý ngân sách và chi tiêu của bản thân.
Hãy sử dụng một cách có chừng mực để không phải lo nghĩ đến việc sập “bẫy” thẻ tín dụng bạn nhé!
*Thông tin trên đây mang tính chất tham khảo