28/07/2024

Cùng con quản lý tài chính

Hầu hết chúng ta chỉ thực sự học quản lí tài chính khi đã đi làm hoặc có thu nhập. Song, theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, trẻ em bắt đầu hình thành thói quan sử dụng tiền từ khoảng 7 tuổi. Nhiều cha mẹ cho rằng cho con tiêu tiền từ sớm sẽ khiến trẻ sinh hư, nhưng thực tế và nghiên cứu đều chứng minh điều ngược lại: trẻ em có nhận thức về tiền càng sớm thì khi lớn lên sẽ có khả năng quản lí và tự chủ tài chính tốt hơn.

Quản lý tài chính đối với người lớn đã không dễ dàng, dạy cho trẻ con biết về tiền bạc, chi tiêu thì càng nhiều điều phải lưu tâm và biến tấu. Bạn có thể cùng con xây dựng những thói quen và hướng dẫn con quản lý tài chính cơ bản qua các hoạt động mô phỏng hoặc thực tế ở các độ tuổi khác nhau.

1. Trẻ mẫu giáo (dưới 6 tuổi): cùng học các khái niệm cơ bản

Chị Mai là nhân viên văn phòng, có một cô bé con 5 tuổi. Ở độ tuổi này, bé rất thích chơi nhập vai bán hàng, mở siêu thị, tính tiền. Đây chính là cơ hội cho ba mẹ nắm bắt để cùng chơi với con và lồng ghép các khái niệm cơ bản nhất về tiền bạc.

Ba mẹ có thể tận dụng các món đồ chơi, các vật dụng nhỏ và an toàn trong nhà để mô phỏng các món đồ thực tế mà gia đình có thể mua ở chợ hay siêu thị. Bằng cách chơi trao đổi hàng hóa, bán hàng, trẻ có thể học được khi muốn mua hàng thì phải cần tiền hoặc vật phẩm có giá trị tương đương để trao đổi.

Bạn cũng có thể hướng dẫn trẻ nhỏ tiết kiệm từ việc hạn chế mua các món ăn vặt linh tinh để có được một món quà mà mình mong muốn bấy lâu. Ví dụ như khi đi siêu thị hay cửa hàng tiện lợi thì bé sẽ không mua kẹo bánh quà vặt thường xuyên, mà sẽ để dành cho một món đồ chơi hay món ăn gì đó bé thật sự yêu thích. Điều này có thể giúp trẻ hiểu được giá trị của các món đồ là khác nhau và làm sau để mua được chúng.

Khi siêu thị mua đồ cho gia đình, bạn cũng có thể cùng con lập danh sách những món cần mua, từ đó chỉ cho con biết những món nào là cần thiết và không cần thiết. Khi đến siêu thị, cả nhà cùng bé so sánh giá cả, cũng là một cách cho con học về các con số, giá trị lớn nhỏ.

2. Trẻ tiểu học (6-12 tuổi): hiểu giá trị của đồng tiền và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp

Khi đến các trường quốc tế trong mấy dịp gặp đối tác hoặc tham gia các hoạt động của họ, bạn sẽ thấy ấn tượng với cách nhà trường khuyến khích trẻ tham gia mở và tự điều hành gian hàng. Các hoạt động này thường nằm trong một sự kiện gây quỹ của trường cho một tổ chức nào đó hoặc do chính trẻ tự chọn. Các em sẽ bán hàng để cố gắng gây quỹ giúp đỡ các bạn đồng lứa có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Tất nhiên, kinh doanh không cần phải đợi đến những dịp đặc biệt. Trẻ em có thể học và thực hành kỹ năng này bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Việc tự điều hành một “doanh nghiệp” nhỏ không chỉ giúp trẻ hiểu về giá trị của tiền, quản lý chi tiêu mà còn giúp phát triển nhiều kỹ năng quan trọng khác như giao tiếp, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề.

Bé Linh đang học lớp 6 và có sở thích vẽ tranh, bé còn hay vẽ các hình ảnh minh họa gương mặt của các bạn trong lớp, đổi lại bé có thêm “thu nhập” để ăn quà vặt và mua màu vẽ. Việc “kinh doanh” của bé tốt đến nỗi tin tốt lan ra các lớp khác nên ngày nào cũng về than vẽ đau cả tay vì đơn đặt hàng quá nhiều. Nhưng nhờ vậy mà Linh hiểu thêm về giá trị của đồng tiền và sức lao động.

3. Trẻ vị thành niên (13-18 tuổi): học cách lập ngân sách và quản lý tiền

Đối với trẻ cấp 2, ba mẹ đã có thể cho các em làm các công việc nhà liên quan đến chi tiêu như đi chợ, đi mua sắm cho gia đình. Đối với trẻ em ở độ tuổi này, bạn giao cho con việc đi chợ bằng một danh sách các nhóm đồ cần mua, và một số tiền nhất định, để con đóng vai trò là người so sánh các hãng khác nhau, lựa chọn các vật dụng hay rau củ nào thì phù hợp với số tiền mình đang có.

Hay đối với các bạn đang học cấp ba, phụ huynh có thể cùng trẻ đặt ra những mục tiêu liên quan đến sự phát triển cá nhân và học vấn của trẻ. Ví dụ như, các bạn sẽ cần mua một chiếc laptop hay một khóa học nào đó. Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ cách chia ngân sách để tiết kiệm, hoặc mở một tài khoản ngân hàng cho con.

Ba mẹ có thể chia tiền tiêu vặt ra thành nhiều dạng, 70% là tiền mặt cho con, và còn lại gửi vào tài khoản ngân hàng để các em có thể để dành hoặc sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.

Việc bắt đầu giáo dục tài chính sớm cho trẻ em mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Từ những khái niệm cơ bản ở độ tuổi mầm non đến việc lập ngân sách và quản lý tiền bạc ở tuổi vị thành niên, mỗi giai đoạn đều mang đến những bài học quý giá. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực tế như lập ngân sách gia đình và mua sắm, trẻ em sẽ phát triển được kỹ năng tài chính và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

 

Mỗi chủ nhật tại Sun · Day, khi những kiến thức tài chính được hiểu và làm thật đơn giản mà mỗi chúng ta có thể bắt đầu ngay hôm nay. Cùng Sun · Day dựng xây tài chính mỗi ngày.

Công ty Bảo hiểm Nhân thọ có Dịch vụ Khách hàng tốt nhất Việt Nam 2024

Công ty Bảo hiểm Nhân thọ có Dịch vụ Khách hàng tốt nhất 2024